Ngũ bội tử, bầu bí, măc piêt, bơ pật (Galla sinensis)

Theo tài liệu cổ, ngũ bội tử vị chua, tính bình, vào 3 kinh phế, thận và đại trường. Có tác dụng liễm phế, giáng hỏa chỉ huyết, liễm hãn, sáp trường. Dùng chữa phế hư sinh ho, lỵ lâu ngày lòi dom, nhiêu mồ hôi, mụn nhọt.

Nov 19, 2021 - 21:58
 0  12
Ngũ bội tử, bầu bí, măc piêt, bơ pật (Galla sinensis)
Muối, còn gọi là sơn muối, dã sơn, diêm phu mộc, ngũ bội tử thụ là một loài thực vật có hoa trong họ Đào lộn hột. Loài này được Mill. miêu tả khoa học đầu tiên năm 1768.
Ngũ bội tử, bầu bí, măc piêt, bơ pật (Galla sinensis)
Ngũ bội tử, bầu bí, măc piêt, bơ pật (Galla sinensis)
Ngũ bội tử, bầu bí, măc piêt, bơ pật (Galla sinensis)
Ngũ bội tử, bầu bí, măc piêt, bơ pật (Galla sinensis)

Cây Ngũ bội tử còn gọi là bầu bí, măc piêt, bơ pật (Thái).

Tên khoa học là Galla sinensis.

Ngũ bội tử (Galla sinensis) là những túi đặc biệt do nhộng của con sâu ngũ bội tử Schlechtendalia sinensis Bell gây ra trên những cuống lá và cành của cây muối hay cây diêm phu mộc Rhus semialata Murray (Rhus sinensis Mill.). Thuộc họ Đào lộn hột Anacardiaceae.
 
A. Mô tả cây muối hay diêm phu mộc

Cây muối là một cây nhỏ cao từ 2 đến 8m. Lá mọc so le, kép rìa lẻ, gồm 7 đến 14 lá chét. Cuống lá chung có dìa như cánh, trên có những lông ngắn màu vàng nâu nhạt. Lá chét không cuống, hình trứng, mép có răng cưa to, thô, dài 5 - 14cm, rộng 2.5 – 9.0cm. Cụm hoa hình chùy mọc ở đầu cành, dài 20 - 30cm. Hoa nhỏ, màu trắng sữa. Quả hạch màu vàng cam đỏ, một hạt. Mùa hoa các tháng 8 - 9, mùa quả vào tháng 10.

Xem chi tiết cây: Cây muối (Diêm phu mộc) - Rhus semialata
 
Khi cành non và cuống lá cây này bị một giống sâu đục thì sẽ xuất hiện những chỗ sùi lên hình dạng khác nhau dài từ 3 đến 6cm, khi thì giống quả trứng nhỏ, khi thì lại có nhiều nhánh. Trên mặt có lông mịn, ngắn màu xám nhạt, có chỗ màu đỏ nâu. Khi bẻ ta thấy thành dày 1 - 2mm, cứng bóng như sừng. Trong có những lông nhỏ trắng như sợi len và mảnh con sâu. Những chỗ sùi này được gọi là bầu bí (tiếng Kinh), măc piêt (tiếng Thổ Cao Bằng), ngũ bội (tên vị thuốc).
 
B. Phân bố, thu hái và chế biến

Ở nuớc ta, ngũ bội tử chỉ mới có nhiều ở các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn (Nước Hai, Nguyên Bình, Sóc Giang), Hà Giang (Quản Bạ), Lào Cai có một ít. Có thể một số vùng Tây Bắc gần biên giới Trung Việt cũng có.
 
Tại nhiều nước khác như Nhật Bản, Trung Quốc (Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam, Phúc Kiến,...) cũng có. Vào khoảng tháng 5 - 6, con sâu ngũ bội tử (sâu cái) từ những cây trung gian hay đến cây muối hay diêm phu mộc, chích vào cành non và lá cây này, rồi đẻ trứng. Có thể do những chất kích thích tố đặc biệt của trứng và sâu non, những tế bào của cây phát triển đặc biệt, bất thường thành ngũ bội. Vào khoảng tháng 9, người ta hái về, hấp nước sôi từ 3 đến 5 phút để giết chết con sâu ở trong rồi phơi khô là được.
 
Trước đây, hàng năm nước ta có thể sản xuất tới 30 - 40 tấn để xuất khẩu, nhưng sau chiến tranh, lượng sản xuất có giảm sút và chưa được phục hồi đúng mức.
 
C. Thành phần hóa học

Ngũ bội tử của ta, có thành phần hóa học giống ngũ bội tử Trung Quốc. Độ ẩm 13.47%, chất tan vào nước gồm có tanin 43.2%, không tanin 13.2%, chất không tan 30.13%. Trong khi đó. ngũ bội tử Trung Quốc có độ ẩm 13.27%, chất tan trong nước gồm tanin 42.5%, không tanin 10%, chất không tan 34.23%.
 
Nếu trừ độ ẩm đi rồi, tỷ lệ tanin của ngũ bội tử Việt Nam là 50%, loại tốt lên tới 60 - 70%, có khi tới 80%.
 
Tanin ngũ bội từ còn gọi là axit galotanic. Thành phần hóa học chủ yếu là penta-m.digaloylglucoza. Trong đó, một phân tử glucoza được kết hợp với 5 phân tử axit digalic, có khi một phần tanin gồm một phân tử glucoza kết hợp với axit elagic hay axit galic.
 
Phân tử các tanin đó thường biểu thị chung là C76H52O46. Thủy phân axit sẽ cho axit galic.
 
Ngoài tanin ra, trong ngũ bội tử còn có axit galic tự do, 2 - 4% chất béo, nhựa và tinh bột. Khi chất tanin của ngũ bội tử tác dụng lên feric clorua sẽ cho màu lam đen, nếu dùng thuốc thử Braemer (dung dịch natri tungstat và natri axetat 1g trong 10ml nước) sẽ có màu vàng nâu hay màu vàng.
 
D. Tác dụng dược lý

Tác dụng dược lý của ngũ bội tử chủ yếu do chất tanin. Tanin có tính chất làm tủa protit, tổ chức của da, niêm mạc, vết loét tiếp xúc với tanin sẽ tủa và đanh lại, tạo thành một lớp cứng làm máu đông lại, ngừng chảy. Do đó, có tác dụng cầm máu, tế bào của các hạch phân tiết cũng bị đông và làm giảm sự bài tiết các dịch, niêm mạc được khô ráo. Đầu dây thần kinh cũng bị cứng lại, do đó hơi có tác dụng gây tê.
 
Tanin còn có tác dụng tủa với các chất ancaloit, làm giảm sự hấp thụ, do đó có thể dùng làm thuốc giải độc.
 
E. Công dụng và liều dùng

Theo tài liệu cổ, ngũ bội tử vị chua, tính bình, vào 3 kinh phế, thận và đại trường. Có tác dụng liễm phế, giáng hỏa chỉ huyết, liễm hãn, sáp trường. Dùng chữa phế hư sinh ho, lỵ lâu ngày lòi dom, nhiêu mồ hôi, mụn nhọt.
 
Ngũ bội từ được dùng làm thuốc thu liễm trong bệnh đi ỉa lỏng, lỵ xuất huyết, hoàng đản, giải độc.
 
Còn là nguyên liệu chế tanin dùng thuộc da loại màu sáng, chế mực viết, nhuộm màu đen,...
 
Liều dùng: Ngày uống 0.5 đến 1.0g, dưới dạng thuốc sắc hay thuốc bột. Dung dịch 5 - 10% dùng súc miệng để điều trị các vết loét trong miệng.
 
Đơn thuốc có ngũ bội tử:

1. Chữa đau bụng đi ỉa lỏng: Ngũ bội tử tán bột, thêm hồ vào, viên thành viên bằng hạt đậu xanh, ngày uống 15 - 20 viên, dùng nước pha bạc hà mà uống thuốc.
 
2. Trẻ con đái dầm: Ngũ bội tử giã nhỏ. Thêm nước cho dính, đắp vào rốn.
 
3. Trẻ con bị trớ: Ngũ bội tử 3g, một nửa để sống, một nửa nướng chín, trích cam thảo 20g. Tất cả tán nhỏ. Mỗi lần dùng 2g bột này, dùng nước cơm hay nước cháo mà chiêu thuốc.
 
Chú thích:

Một số nơi ở nước ta và Lào có loại cây gọi là Sơn bút Rhus semialata Roxb. var. roxburghii DC. cùng họ cũng hay bị một loại sâu cánh mềm (chưa xác định được tên khoa học) gây trên cành non, nhưng loại ngũ bội nhỏ hơn, chỉ bằng quả nho, thường rất bằng nhau, lúc đầu có màu đỏ, sau đen, thành dày khoảng 0.5mm, độ ẩm 16%, tỷ lệ tanin 5.75% ít thấy dùng.