Nhãn hương, kiều đậu (Melilotus suaveolens Ledeb)

Theo y học cổ truyền Nhãn hương toàn cây dùng trị: đau mắt, kiết lỵ, sốt rét, miệng hôi thối và chứng đau đầu, cảm sốt.

Nov 18, 2021 - 22:27
 0  18
Nhãn hương, kiều đậu (Melilotus suaveolens Ledeb)
Cây Nhãn hương - Melilotus suaveolens
Nhãn hương, kiều đậu (Melilotus suaveolens Ledeb)
Nhãn hương, kiều đậu (Melilotus suaveolens Ledeb)

Cây Nhãn hương còn gọi là kiều đậu.

Tên khoa họcMelilotus suaveolens Ledeb. Thuộc họ Cánh bướm Papilionaceae (Họ đậu Fabaceae).

Nhãn hương là mùi thơm của nhãn vì cây khô thoang thoảng có mùi nhãn. Melilotus do chữ Hy Lạp, mel là mật, lotos là cỏ thức ăn gia súc, vì cỏ thức ăn gia súc có mùi mật.
 
A. Mô tả cây

Cỏ sống hằng năm, mọc thẳng đứng, cao 0.8 – 1.0m, thân hơi khúc khuỷu do các cuống lá men xuống. Cành mọc đứng, mảnh khảnh. Lá kép cấu tạo bởi ba lá chét. Lá chét hình trái xoan dài 1.2 – 1.5cm, rộng 0.4 – 0.8cm, khía răng cưa ở nửa trên, 9 - 11 đôi gân phụ, không rõ rệt, cuống lá dài 1.5 – 2.0cm, hình sợi chỉ, lá kèm hình dùi, dài 8 - 10mm dính với nhau và với cuống lá trên 2mm. Cụm hoa hình chùm ở kẽ lá, mang nhiều hoa rất nhỏ, màu vàng. Đài hình chuông, có 5 răng nhọn bằng nhau. Cánh hoa rụng sớm, có hình thìa. Cánh thuyền hình lưỡi hái, cánh thìa tù ngắn. Nhị lưỡng thể, gồm 10 chiếc, trong đó 9 chiếc dính với nhau bởi chỉ, chiếc thứ 10 tự do, bao phấn giống nhau. Bầu ngắn, vòi dài, đầu nhụy nhỏ. Quả loại đậu ngắn, không mở, thoạt tiên nhẵn, về sau nhăn nheo và có màu đen. Một hay hai hạt hình bầu dục.

B. Phân bố, thu hái và chế biến

Cây mọc hoang ở các bãi, đồi của các tỉnh Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình, Phú Thọ. Theo Pételot (1952) thì trước đây, nhân dân ta hình như không dùng. Chaffanjon vốn là người Pháp quen dùng cây này chữa mắt, đã giới thiệu cách dùng nước sắc cây chữa đau mắt. Nhưng thực tế ít thấy người dùng. Tại các nước Châu Âu, người ta dùng một loại cây gọi là mê-li-lô, Trung Quốc gọi là hoàng linh lăng hương Melilotus officinalis Desr. và Melilotus altissimus Thuil dưới dạng ngọn cây cắt lúc đang ra hoa thành từng đoạn dài 20 - 25 cm (đối với loài M. officinalis) hoặc từng đoạn dài 30 - 35 cm (đối với loài M. altissimus) phơi khô trong mát, rồi bó thành từng bó. Cây tươi hầu như không có mùi, nhưng khi khô có mùi mật và mùi nước hoa dễ chịu. Không phải chế biến gì khác.

Loài Melilotus officinalis (Hoàng linh lăng hương)
 
C. Thành phần hoá học

Cây nhãn hương Melilotus suaveolens chưa thấy tài liệu nghiên cứu. Nhưng khi phơi khô cũng có mùi thơm như cây Melilotus officinalis đã được nghiên cứu giới thiệu dưới đây.
 
Trong cây tươi Melilotus officinalis có một heterozit gọi là melilotozit. Trong quá trình phơi khô, melilotozit bị men emunsin thuỷ phân cho glucoza và axit cumaric. Axit cumaric bị khử nước, đóng vòng lacton cho cumarin. Hàm lượng cumarin thay đổi tùy theo loài, lá chứa nhiều hơn là thân và hàm lượng cao nhất vào trước lúc ra hoa. Trung bình trong cỏ khô có 0.4 đến 0.9% cumarin, bên cạnh cumarin còn có axit melilotic.

Thành phần một số chất trong cây Melilotus officinalis
 
Trong cỏ Meliotus officinalis bị thối có một chất độc gọi là dicumarola hay metyl-3-hydroxy-4-cumarin. Súc vật ăn phải cỏ thối này có thể bị xuất huyết nặng, có khi chết. Hiện tượng súc vật bị ngộ độc này thường thấy ở Canada và Mỹ. Nhưng mãi tới năm 1931, Scofield mới phát hiện thấy rằng chất này do cumarin bị một thứ nấm trong cây biến thành. Link và những người cộng sự đã xác định và tổng hợp được dicumarola vào năm 1941 (Hình trên).
 
Trong thân, lá và hoa nhãn hương có tinh dầu. Thành phần chủ yếu của tinh dầu là dihydrocumarin C9H8O2 (Trung Quốc kinh tế thực vật chí, 1961, 1360).
 
Toàn cây chứa khoảng 3.5% chất béo, chừng 7% pectin. Hạt chứa 6% chất béo.
 
D. Công dụng và liều dùng

Như trên đã nói, nhãn hương hầu như chưa được sử dụng làm thuốc ở nước ta. Tại các nước châu Âu và châu Mỹ, người ta dùng chữa đau mắt: Pha 5 đến 10g cỏ này trong một lít nước sôi. Dùng nước này để rửa mắt.
 
Người ta còn chiết từ hoa hay ngọn cây này một chất thơm dùng làm thơm thuốc lá: Ngâm hoa hay cỏ với benzen. Bốc hơi benzen này sẽ được 0.10 – 0.12% chất thơm đặc, màu xanh lục, nguyên liệu chế cumarin dùng trong công nghiệp nước hoa.
 
Loài Melilotus non là một loại cỏ cho gia súc ăn rất tốt do hàm lượng protein cao, 15 đến 20%, dễ tiêu hoá, hàm lượng muối khoáng cao. Tuy nhiên, cũng như trên đã nói, loại cỏ này nếu bị thối và do một thứ nấm riêng thì có thể gây cho súc vật ăn phải bị bệnh xuất huyết nặng, có khi chết. Đó là do chất dicumarola có tác dụng ngược lại với vitamin K. Nó cản trở sự tạo thành prothrombaza trong máu và làm cho máu không đông được.
 
Chúng ta biết rằng, sự đông máu tiến thành qua hai giai đoạn:

1. Sự có mặt của ion canxi và thrombokinaza, chất prothrombaza sản xuất trong gan sẽ tạo ra chất thrombaza.
 
2. Chất thrombaza sẽ chuyển fibrinogen của huyết thanh (plasma) thành những cục fibrin. Như vậy, vai trò chủ yếu là chất prothrombaza. Chất này được tạo thành trong cơ thể là nhờ vitamin K kết hợp với một thứ men trong gan. Chất dicumarola có ái lực đối với thứ men này mạnh hơn là vitamin K. Cho nên, đã chiếm chỗ của vitamin K và cản không cho vitamin K hoạt động. Cũng nên chú ý rằng, chất metyl-3-hydroxy-4-cumarin là một chất chỉ có một nhóm cumarin của chất dicumarola thì lại không có tác dụng gây xuất huyết. Ngược lại, nó lại có tác dụng chống xuất huyết giống như vitamin K. Chúng ta thấy chỉ cần thêm một nhóm thứ hai nữa là tác dụng trái ngược hẳn và biến chất này thành một chất chống vitamin K. Chất dicumarola được dùng để phòng và chữa những bệnh nghẽn mạch, viêm tĩnh mạch, tắc mạch.
 
(Theo Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam – GS. Đỗ Tất Lợi)