Rong mơ, rau mã vĩ, rau ngoai, rau mơ, hải tảo, rong biển (Sargassum, Herba Sargassi. Rong mơ hay rau mơ (Sargassum hoặc Herba Sargassi))

Rong mơ có tác dụng tiêu đờm, làm mềm chất rắn, tiết nhiệt lợi thủy dùng chữa bướu cổ, thủy thũng. Người tỳ vị hư hàn, có thấp trệ không dùng. Tác dụng ngược với cam thảo.

Nov 1, 2021 - 00:52
 0  30
Rong mơ, rau mã vĩ, rau ngoai, rau mơ, hải tảo, rong biển (Sargassum, Herba Sargassi. Rong mơ hay rau mơ (Sargassum hoặc Herba Sargassi))
Rong mơ - Sargassum fusiforme

Rong mơ,còn gọi là loại rau mã vĩ, rau ngoai, rau mơ (hải tảo), rong biển.

Tên khoa học: Sargassum, Herba Sargassi. Rong mơ hay rau mơ (Sargassum hoặc Herba Sargassi) là toàn tảo rửa sạch phơi hay sấy khô của nhiều loài tảo khác nhau như Dương thê thái (Sargassum fusiforme Harv. Setch.), Hải khảo tử (Sargassum pallidum Turn. C. Ag.) hoặc một loài tảo Sargassum sp. khác đều thuộc họ Rong mơ Sargassaceae.

A. Mô tả cây

Rong mơ là các loại tảo sống ở biển. Tảo rong cấu tạo bởi sợi phân nhánh non như “thân” màu nâu, mang những bộ phân mỏng và dẹt non như “lá” kích thước thay đổi tùy theo từng loài. Loài Sargassum fusiforme dài 7 - 40 cm, loài Sargassum pallidum dài 30 - 100 cm, đường kính “thân” loài S. fusiforme chỉ đạt 2 - 4mm, trong khi loài S. pallidum đạt 2cm. “Lá” có khi hình trụ dài 3.5 – 7.0cm (S .fusiforme) hay vừa hình sợi, vừa hình phiến lá (S. pallidum) dài tới 25cm, rộng 2.0 – 2.5cm, có mép răng cưa thô, trên mặt có những điểm đen. Rải rác trên toàn tảo có những bộ phận hình dạng giống “quả”, thực ra đó chỉ là những “phao”, bên trong chứa đầy không khí giúp cho tảo đứng thẳng trong nước biển. Phao có kích thước to nhỏ tùy theo loài. Có loài chỉ nhỏ bằng hạt gạo, có loài phao to bằng hạt tiêu. Có khi hình thoi (dương thể thái) ở đầu “thân”, có khi ở nách “lá” và hình cầu (S.pallidum). Ngoài mặt phao cũng có những chấm đen.

B. Phân bố, thu hái và chế biến

Rong mơ mọc hoang ở khắp các miền duyên hải nước ta, thường mọc bám trên những dãy núi đá ngầm ven biển, nhiều nhất ở Vĩnh Linh, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Nam Hà (nay là Nam Định và Hà Nam), Ninh Bình, Thái Bình, Quảng Ninh cũng có, nhiều khi mọc thành dải dài tới hàng chục kilômét, rộng 2 - 3km. Còn mọc ở bờ biển nhiều nước khác. Riêng nước ta, hàng năm có thể thu hoạch tới 400 - 500 tấn. Mùa thu hoạch từ tháng 3 đến tháng 9. Đem về rửa sạch đất cát, rửa hết mặn rồi phơi hay sấy khô.
 
C. Thành phần hóa học

Trong rong mơ có từ 10 - 15% muối vô cơ (trong đó có rất nhiều iôt 0.3 đến 0.8%, asen, kali), 1 - 2% lipit, 4 - 5% prôtit và rất nhiều algin hay axit alginic.
 
D. Công dụng và liều dùng

Từ lâu, rong mơ được dùng trong y học cổ truyền với tên hải tảo.
 
Tài liệu cổ ghi về hải tảo như sau: Vị đắng, mặn, tính hàn vào ba kinh can, vị và thận. Có tác dụng tiêu đờm, làm mềm chất rắn, tiết nhiệt lợi thủy dùng chữa bướu cổ, thủy thũng. Người tỳ vị hư hàn, có thấp trệ không dùng. Tác dụng ngược với cam thảo. Ngày dùng 6 - 12g dưới dạng thuốc sắc.
 
Hiện nay, ta dùng làm thuốc chữa bướu cổ (tán nhỏ dập thành viên iotamin chứa 50 - 70 microgam iốt, ngày dùng 2 đến 4 viên, dùng liên tục trong 3 - 5 tháng), nguyên liệu chế iốt, agin, alginat dùng trong công nghiệp hồ vải sợi.
 
(Theo Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam – GS. Đỗ Tất Lợi)