Thương Lục (Radix Phytolaccae): Vị Thuốc Tiêu Thũng, Tán Kết và Lợi Niệu Hiệu Quả

Thương Lục, còn gọi là Bạch Mẫu Kê, là vị thuốc từ rễ cây Thương Lục với tính vị đắng, hàn, quy vào kinh phế, thận và đại trường. Với các hoạt chất như phytolaccagenin và phytolaccoside, Thương Lục có tác dụng tiêu thũng, tán kết, giảm sưng, lợi niệu và trục thủy. Thường được sử dụng trong điều trị sưng đau, phù toàn thân, đau họng và viêm phế quản mạn tính. Liều dùng 5-10g, cần cẩn trọng với độc tính cao, không dùng cho phụ nữ có thai.

May 30, 2024 - 20:44
 0  17
Thương Lục (Radix Phytolaccae): Vị Thuốc Tiêu Thũng, Tán Kết và Lợi Niệu Hiệu Quả
Thương Lục (Radix Phytolaccae) 商陆
  • Vị thuốc Thương Lục (Radix Phytolaccae)

    Vị thuốc Thương Lục (Radix Phytolaccae)
    Vị thuốc Thương Lục

    Vị thuốc: Thương Lục

    Tên khác: Bạch mẫu kê. Sơn la bạc, Dã la bạc, Trường bất lão, Kim thất nương

    Tên Latin: Radix Phytolaccae

    Tên Pinyin: Shanglu

    Tên tiếng Hoa: 商陆

    Xuất xứ: Thần Nông Bản Thảo Kinh

    Tính vị: Vị đắng, tính hàn

    Quy kinh: Vào kinh phế, thận, đại trường

    Hoạt chất: Phytolaccagenin, phytolaccoside A, B, D, E, F, D2; jaligonic acid

    Dược năng: Tiêu thũng tán kết, giảm sưng, tán ứ, lợi niệu trục thủy

    Liều Dùng: 5 - 10g

    Chủ trị:

    Sách Bản kinh: "chủ thủy trướng, sán hạ, tý, chườm trị nhọt sưng".

    Sách Dược tính bản thảo: " có thể tả 10 loại thủy bệnh. Thuốc thái mỏng sao, sao dấm đắp ngoài trị đau họng tốt".

    Sách Bản thảo cương mục: " Thương lục tính năng khổ hàn, trầm giáng, âm ; thuốc có xu hướng đi xuống, chuyên hành thủy, cùng Đại kích, Cam toại tính khác mà công dụng thì giống. Vệ khí hư ngược không được dùng. Trị thấp thủy, dùng Bạch Thương lục, Hương phụ tử, sao khô, cho ra hết hỏa độc, ngâm rượu một đêm, phơi khô tán bột, mỗi lần uống 3 đồng cân với nước cơm hoặc dùng đun với tỏi lấy nước uống".

    Tác dụng long đàm: thuốc sắc, tinctura Thương lục hay nước thuốc ngâm đều có tác dụng long đàm, có thể do thuốc trực tiếp lích thích lên đường hô hấp làm cho tuyến thể của niêm mạc tăng tiết nhưng không có tác dụng giảm ho suyễn.

    Thuốc sắc và thuốc rượu: Thương lục có tác dụng ức chế với mức độ khác nhau đối với trực khuẩn lî, cúm, phế song cầu khuẩn và một số nấm gây bệnh ngoài da.
    Thuốc có tác dụng kháng viêm: nước sắc có tác dụng chống ung thư.
    Thuốc có tác dụng nâng cao tính miễn dịch của cơ thể.
    Độc tính của thuốc: Nước ngâm, nước sắc và tinctura Thương lục cho chuột uống, LD 50 phân biệt là 26, 28 và 46,5g/kg. Độc tính của Thương lục đỏ lớn gấp đôi loại Thương lục trắng, cả 2 loại thuốc sắc 2 giờ, độc tính đều giảm rõ rệt.

    Ứng dụng lâm sàng:

    1.Trị phù toàn thân, bụng nước, viêm cầu thận cấp: Rễ Thương lục 10g, Thịt heo nạc 30g, hầm lên uống liền mấy ngày. Trị viêm cầu thận cấp. Thương lục, Khương hoạt, Khương bì đều 6g, Tần giao, Binh lang, Đại phúc bì, Mộc thông, Trạch tả đều 10g, Phục linh bì 12g, Tiêu mục 3g, Xích tiểu đậu 15g, sắc uống. Trị phù toàn thân, khát, đại tiểu tiện không thông. Thương lục 5g, sắc nước uống. Trị bụng báng nước do xơ gan, viêm thận mạn tính.

    2.Trị té ngã sưng đau: Rễ Thương lục tươi, Khổ sâm lượng bằng nhau gia rượu vừa đủ giã đắp.

    3.Trị chứng trong bụng có hòn cứng đau: lấy bông đắp lên bụng, giã rễ Thương lục tươi vắt nước tẩm vào bông, hễ thấy lạnh lại thay. Đắp liên tục cho đến khi khỏi.

    4.Trị chứng đau cổ họng: dùng rễ Thương lục nướng nóng bọc vải chườm vào cổ.

    5.Trị viêm phế quản mạn tính: dùng mật hoàn mỗi ngày 3 hoàn, cao cồn Thương lục mỗi ngày 1,8g và glucosid Thương lục mỗi ngày 30mg; chia 3 tổ điều trị, đều liều mỗi ngày chia 3 lần uống, 10 ngày là một liệu trình, dùng liều 3 liệu trình, tỷ lệ kết quả 89,9 - 97,3%. Tổ dùng glucosid cao hơn 2 tổ kia. Tác dụng hoá đàm tốt nhất ( Tạp chí Y học Trung hoa 1979,10:599 - Báo cáo của tổ nghiên cứu khoa học của Cục Vệ sinh Địa khu Hoặc dương Thiểm tây).

    6.Trị vảy nến: dùng viên Thương lục (tiệt trùng bằng cao áp trong 2 giờ chế thành viên), uống mỗi lần 3g, ngày 3 lần. Đã dùng trị 40 ca, uống thuốc 10 ngày đến hơn 2 tháng. Kết quả khỏi 12 ca, tiến bộ rõ 9 ca, tiến bộ 11 ca, không kết quả 8 ca, tỷ lệ kết quả 80%, tỷ lệ khỏi 30% ( Vương Kỳ, Tạp chí Trung y 1984,12:38).

    7.Trị tuyến vú tăng sinh: dùng Thương lục tươi chế thành viên để uống, mỗi viên tương đương 0,5g thuốc sống, bắt đầu uống mỗi lần 6 viên, sau đó tăng dần đến 20 viên, ngày 3 lần. Đã trị 253 ca, có kết quả 94,86%, khỏi 37,15% ( Điền phố Vĩnh, Báo Trung thảo dược 1985,3:22).

    Chú thích:

    Củ Thương lục hay được dùng để làm giả Nhân sâm do có mùi hơi tương tự.

    Độc tính:

    Có độc tính cao. Dùng với sự chỉ dẫn của thầy thuốc

    Kiêng kỵ:

    Phụ nữ có thai không dùng.

  • Cây thuốc Thương Lục - Phytolacca esculenta Van Houtle

    Cây thuốc Thương Lục - Phytolacca esculenta Van Houtle

    Tên khác: Trưởng bất lão, Kim thất nương, Bạch mẫu lê

    Tên khoa học: Phytolacca esculenta Van Houtle, Họ Thương lục (Phytolaccaceace)

    Mô tả cây: Cây thảo sống nhiều năm, cao tới 1,5m. Rễ củ mập. Thân hình trụ nhẵn, màu xanh lục, ít phân nhánh. Lá mọc so le, phiến xoan ngược to, dài 12-25cm, rộng 5-10cm; cuống lá 3cm, đầu nhọn tù, gốc nhọn. Chùm hoa đối diện với lá song không gắn trước lá, cao 15-20cm; 5 lá đài trắng, nhị 8, lá noãn 8-10. Quả mọng, hình cầu dẹt có 8-10 quả đại với vòi nhuỵ tồn tại, khi chín có màu tía đen, hạt đen, đẹp, hình thận hay tròn. Hoa tháng 5-7, quả tháng 8-10.

    Bộ phận dùng, thu hái và chế biến: Rễ củ – Radix Phytolaccae, thường gọi là Thương lục. Có thể thu hoạch rễ vào mùa thu hay mùa đông. Đào rễ về cắt bỏ rễ con, rửa sạch, thái mỏng và phơi khô. Có khi người ta ngâm vào rượu có pha mật ong rồi mới phơi hay sấy khô.

    Thành phần hóa học: Thương lục là loại cây có độc ở tất cả các bộ phận. Trong rễ củ, quả, lá… thương lục có một chất độc, đắng, gọi là phytolaccatoxin. Ngoài ra còn chứa nhiều muối kali nitrat, acid oxymyristinic và steroid saponin.

    Công dụng và cách dùng: Theo y học cổ truyền, Thương lục được dùng để trị phù nề, đinh nhọt và bệnh ngoài da, bụng trướng. Ở Ấn Độ, dầu rễ được dùng trị đau khớp.

    Chú ý: Không dùng cho phụ nữ có thai và người tỳ vị hư nhược. Lá non có thể dùng nhưng lá già rất độc. Thường được sử dụng để giả Nhân sâm dẫn đến ngộ độc, do đó phải cẩn thận khi dùng.

  • Phòng chống ngộ độc Thương lục

    Phòng chống ngộ độc Thương lục
    Hình ảnh mô tả cây thương lục

    Thương lục là một vị thuốc được dùng lâu đời trong Y học cổ truyền phương Đông với công dụng lợi tiểu, đại tả, thùy ẩm ở phủ tạng. Tuy rễ cây Thương lục nhiều tác dụng, nhưng có độc tính nên được xếp vào loại hạ phẩm. Gần đây tại một số nơi người ta thấy rễ cây hình củ hơi giống hình người nhầm lẫn với nhân sâm nên được dùng như thuốc bổ với tên gọi “sâm cao ly”. Trong những năm vừa qua, Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia đã xác định nguyên nhân nhiều vụ ngộ độc liên quan đến cây Thương lục và tham gia các hoạt động truyền thông cho cán bộ y tế cơ sở và người dân nhằm phòng tránh ngộ độc cây Thương lục.

    1. Tình hình ngộ độc thực phẩm liên quan đến Thương lục tại Việt Nam

    Trong thời gian vừa qua, nhiều địa phương đã có những báo cáo ngộ độc thực phẩm liên quan đến Thương lục. Trong giai đoạn từ năm 2020-2023, Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia đã tiếp nhận một số báo cáo về ngộ độc thực phẩm liên quan đến Thương lục, cũng như phân tích xác định nguyên nhân như sau:

    Tháng 2/2020, báo cáo từ bản Kẻ Nâm, xã Châu Bình, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An, xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm sau bữa ăn gồm 12 người, trong bữa ăn có 06 người uống rượu ngâm rễ cây, buổi chiều có 05 người xảy ra triệu chứng ngộ độc, 04 người nhập viện, 01 người có triệu chứng buồn nôn và nôn, không nhập viện. Kết quả phân tích của Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia đã xác định loài trong mẫu rễ cây rừng không rõ nguồn gốc dùng để ngâm rượu là cây thuộc chi Thương lục Phytolacca acinosa và phát hiện các độc chất điển hình trong Thương lục gồm phytolaccagenin và phytolaccatoxin.

    Tháng 5/2020, báo cáo từ huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn, xảy ra 01 vụ ngộ độc thực phẩm do uống rượu ngâm với rễ cây, 3 người mắc với triệu chứng buồn nôn, nôn và tiêu chảy. Kết quả phân tích của Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia xác định loài trong mẫu rượu ngâm củ và rễ là cây thuộc chi Thương lục Phytolacca esculenta và phát hiện các độc chất điển hình trong Thương lục gồm phytolaccagenin và phytolaccatoxin.

    Tháng 6/2021, báo cáo từ Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình, 05 bệnh nhân nhập viện với các triệu chứng giống nhau như: tê lưỡi, đau bụng dữ dội, nôn, tiêu chảy, vã mồ hôi, khó thở,… có uống rượu ngâm với củ của một loại cây mà theo họ đó là sâm. Kết quả phân tích của Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia trong mẫu rượu ngâm củ phát hiện độc chất điển hình trong Thương lục là phytolaccatoxin.

    Tháng 1/2023, báo cáo từ thôn Lệc, xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum của Trung tâm Y Tế huyện Ngọc Hồi và Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Kon Tum, về một hộ gia đình gồm 05 người ngộ độc sau bữa ăn, trong đó có món rau rừng, được xác định là lá cây Thương lục, với các triệu chứng buồn nôn, nôn, tiêu chảy, người mệt mỏi, nhức đầu, run, một trường hơp có triệu chứng tức ngực, khó thở đã được cấp cứu kịp thời.

    Tháng 4/2023, tại thôn Nhò Trong, xã Trì Quang, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm sau bữa ăn gồm 11 người, trong bữa ăn có 02 người uống rượu trắng, 03 người uống rượu ngâm củ Thương lục do gia đình tự trồng. Trong đó có 03 người uống rượu ngâm củ Thương lục có biểu hiện: đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, nôn. đi ngoài phân lỏng kèm theo nhìn mờ, không có trường hợp tử vong. Kết quả kiểm nghiệm của Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia cho thấy mẫu rượu ngâm củ Thương lục và mẫu củ Thương lục do Trung tâm Y tế huyện Bảo Thắng lấy từ bữa ăn đều phát hiện độc tố phytolaccatoxin.

    Ngộ độc Thương lục xảy ra chủ yếu do người dân nhầm lẫn với các loại thực vật ăn được khác, chủ yếu là nhân sâm.

    2. Đặc điểm, phân bố và triệu chứng ngộ độc

    2.1. Đặc điểm, phân bố:

    Thương lục còn có tên gọi khác là thương lục nhỏ, sơn la bạc, kim thất lương, trưởng bất lão, bạch mẫu kê hoặc dã la bạc, có hai loại phổ biến ở Việt Nam với tên khoa học là Phytolacca esculenta Van Hout và Phytolacca acinosa, thuộc họ Thương lục (Phytolaccaceae)

    Mô tả cây: Cây thân thảo, sống lâu năm, cao hơn 1m. Thân cây nhẵn, không lông, thân hình trụ tròn hoặc hơi có cạnh màu xanh lục hoặc hơi pha màu đỏ tím. Lá cây kiểu đơn, nguyên, có cuống, mọc so le, phiến lá hình trứng tròn, đầu nhọn, mép lá nguyên, 2 mặt lá nhẵn, dài 10-38 cm, rộng 13-14 cm. Cụm hoa hình chùm, dài 15-20 cm, gồm nhiều hoa mẫu 5, màu trắng. Quả mọng, hình cầu dẹt có 8-10 múi, với vòi nhụy tồn tại, khi chín có màu đỏ tía hay tím đen. Rễ hình củ hơi giống hình người, dễ nhầm lẫn với nhân sâm.

    Thương lục có nguồn gốc ở Trung Quốc và di thực vào Việt Nam cách đây khoảng 10 năm. Hiện nay, dược liệu này được trồng ở một số nơi ở nước ta nhưng số lượng trồng không nhiều. Cây phân bố chủ yếu tại các tỉnh vùng núi với độ cao 700 – 1600 m, như Sa Pa, Mường Khương (Lào Cai), Kỳ Sơn (Nghệ An), Phong Thổ (Lai Châu), Quan Hóa (Thanh Hóa)…

    Một số thực vật dễ nhầm lẫn với Thương lục: Nhân sâm

    2.2. Độc tố của cây Thương lục

    Hầu hết các bộ phận của cây Thương lục đều chứa độc tố là phytolaccatoxin các saponin triterpen esculentosid A, B, H, I, L, K, M

    R1=CH3; R2=R3=H : phytolaccagenin

    R1=CH3; R2=H; R3=-xyl : esculentoside B (Phytolaccoside B)

    Theo một số tài liệu về cây thuốc ở Việt Nam cho thấy cây Thương lục có nhiều công dụng long đàm, chống viêm, kháng khuẩn, lợi tiểu, giảm phù nề, kích thích hệ miễn dịch nhưng có độc tính nên cần thận trọng khi dùng kết hợp. Tác dụng chính chính của độc tố trên mang độc tố nhóm saponin gây kích ứng mạnh niêm mạc. Khi ăn phải nhẹ thì đau mồm, lưỡi, nôn, đau bụng dữ dội, nặng thì co quắp, hôn mê. 

    2.3. Triệu chứng ngộ độc 

    Triệu chứng ngộ độc xuất hiện sau khoảng 20 phút đến 3 giờ sau ăn/uống.
    Các triệu chứng ngộ độc: nhẹ thì thân nhiệt tăng, tim đập nhanh, thở nhanh, nôn mửa, đau bụng, tinh thần hoảng hốt. Nặng thì gây liệt thần kinh, hôn mê, thở khó khăn, huyết áp hạ, tim ngừng đập gây tử vong. 

    3. Phòng chống và xử lý ngộ độc do Thương lục

    3.1. Xử lý ngộ độc Thương lục

    Trong trường hợp phát hiện bệnh nhân ngộ độc, cần thông báo cho cơ quan y tế và đưa bệnh nhân đến bệnh viện kịp thời và chữa các triệu chứng là chủ yếu. 
    Các biện pháp cụ thể xử lý ngộ độc như sau:
    - Hạn chế hấp thu: 
    + Gây nôn: tiến hành khi bệnh nhân mới ăn xong, bệnh nhân tỉnh, hợp tác. Gây nôn bằng cơ học, cho bệnh nhân uống nước rồi dùng tăm bông hoặc ống xông ngoáy họng. 
    + Rửa dạ dày: Ngay sau khi phát hiện ngộ độc, hiệu quả nhanh nhất trong 60 phút đầu bị ngộ độc cấp.
    + Sử dụng than hoạt: dùng sau khi gây nôn hoặc rửa dạ dày. Không dùng khi đang co giật, hôn mê. 
    - Điều trị triệu chứng: cần theo dõi sát các dấu hiệu co giật, nhịp tim, huyết áp. Các biện pháp điều trị hỗ trợ là quan trọng, không có thuốc giải độc đặc hiệu.

    3.2. Dự phòng ngộ độc Thương lục

    Ngộ độc Thương lục thường do nguyên nhân chính là nhầm lẫn với nhân sâm nên được nhiều người dùng như thuốc bổ. Do đó để phòng tránh ngộ độc Thương lục cần làm tốt các công tác sau: 
    - Tuyên truyền kiến thức, tránh các trường hợp ngộ độc do nhầm lẫn 
    - Không tự ý sử dụng thuốc nam, thuốc đông y khi chưa có hướng dẫn của thầy thuốc. 
    - Khuyến cáo người dân cảnh giác cao, không nên tự ý hái hoặc lấy các loại rễ cây mà không rõ các loại độc tính để sử dụng

    4. Hoạt động tuyên truyền phòng chống ngộ độc Thương lục

    Trong những năm vừa qua, Viện kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia đã xác định nguyên nhân vụ ngộ độc thực phẩm liên quan đến Thương lục và tham gia các hoạt động truyền thông cho cán bộ y tế cơ sở và người dân nhằm phòng tránh ngộ độc Thương lục. Với mong muốn góp phần giảm các trường hợp ngộ độc thực phẩm do Thương lục nói riêng và các độc tố tự nhiên nói chung, Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia thường xuyên triển khai các hoạt động điều tra, xác định nguyên nhân ngộ độc thực phẩm cũng như truyền thông phòng chống ngộ độc. Hoạt động truyền thông phòng chống ngộ độc Thương lục sẽ góp phần giúp hạn chế các trường hợp ngộ độc trong tương lai. Đồng thời, các kết quả kiểm nghiệm kịp thời sẽ giúp khẳng định nguyên nhân ngộ độc và giúp các bác sĩ điều trị nhanh chóng có biện pháp kịp thời xử lý các trường hợp ngộ độc xảy ra.

    Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia là đơn vị kiểm nghiệm thực phẩm tuyến cao nhất, trực thuộc Bộ Y tế, được thành lập theo Quyết định số 376/QĐ-TTg ngày 23 tháng 3 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ. Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia được Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn và Bộ Công thương chỉ định là đơn vị kiểm nghiệm phục vụ quản lý nhà nước. Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia là đơn vị kiểm nghiệm trọng tài trong cả nước về chất lượng, an toàn thực phẩm. Ngoài thực hiện nhiệm vụ kiểm nghiệm thực phẩm phục vụ quản lý nhà nước theo đúng chức năng và nhiệm vụ, Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia thực hiện dịch vụ kiểm nghiệm thực phẩm cho khách hàng có nhu cầu. Với năng lực kiểm nghiệm thực phẩm đứng đầu tại Việt Nam, phòng thí nghiệm với các trang thiết bị hiện đại và đội ngũ cán bộ, chuyên gia giàu kinh nghiệm, Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia cam kết mang đến cho khách hàng dịch vụ kiểm nghiệm thực phẩm tốt nhất với các phương châm: Trung thực, tận tâm, chính xác, hiệu quả, uy tín.

    TÀI LIỆU THAM KHẢO

    1. Đỗ Tất Lợi (2004), Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Nhà xuất bản Y học. 
    2. Đỗ Huy Bích (2006), Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật
    3. Bộ Y tế (2015), Hướng dẫn chẩn đoán và xử trí ngộ độc.
    4. Trần Công Khánh (2004),  Cây độc ở Việt Nam, Nhà xuất bản Y học