Vị thuốc Đan Sâm rễ phơi hoặc sấy khô của cây Đan sâm (Salvia miltiorrhiza Bunge)

Vị thuốc Đan sâm rễ phơi hoặc sấy khô của cây Đan sâm (Salvia miltiorrhiza Bunge), họ Bạc hà (Lamiaceae), còn có tên gọi khác là Xích sâm, Huyết sâm, Hồng căn.

Oct 9, 2021 - 03:48
Oct 9, 2021 - 03:55
 0  42
Vị thuốc Đan Sâm rễ phơi hoặc sấy khô của cây Đan sâm (Salvia miltiorrhiza Bunge)
Vị thuốc Đan Sâm rễ phơi hoặc sấy khô của cây Đan sâm (Salvia miltiorrhiza Bunge)
Vị thuốc Đan Sâm rễ phơi hoặc sấy khô của cây Đan sâm (Salvia miltiorrhiza Bunge)

ĐAN SÂM còn có tên gọi khác là Xích sâm, Huyết sâm, Hồng căn

Cổ nhân có câu "Nhất vị Đan sâm ẩm, công đồng Tứ vật thang", nghĩa là chỉ một vị Đan sâm cũng có tác dụng ngang với cả bài thuốc Tứ vật là bài thuốc "bổ huyết điều huyết" kinh điển của y học cổ truyền. Đan sâm được mệnh danh là “huyết bệnh yếu dược” tức thứ dược quan trọng trị các bệnh liên quan đến huyết.

Vị thuốc Đan sâm rễ phơi hoặc sấy khô của cây Đan sâm (Salvia miltiorrhiza Bunge), họ Bạc hà (Lamiaceae), còn có tên gọi khác là Xích sâm, Huyết sâm, Hồng căn. Trước đây, vị thuốc Đan sâm thường được nhập từ Trung Quốc, trong những năm gần đây cây Đan sâm đã được di thực tại các tỉnh miền núi Việt Nam, cây sinh trưởng và phát triển tốt, đạt năng suất và hàm lượng hoạt chất chính cao.

Đan sâm được dùng rộng rãi ở các nước châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt Nam để điều trị bệnh rối loạn liên quan đến máu và hệ tuần hoàn.

Vị thuốc Đan sâm theo y học cổ truyền

Theo Y học cổ truyền, Đan sâm có vị đắng (khổ) sắc đỏ (đỏ thuộc tâm hỏa), nhập tâm và tâm bào lạc. Đan sâm có tác dụng phá túc huyết (huyết lưu ứ lại), sinh ra huyết mới (ứ khử nhiên hậu tân sinh), dưỡng huyết an thai, trụy tử thai (khứ ứ), điều kinh mạch (phong hàn thấp nhiệt, tích tụ lại lâu ngày làm tổn thương khí huyết, làm kinh mạch vận hành bất điều gây huyết hư, huyết ứ, khí trệ, đàm trở… kinh mạch điều hòa thì bệnh tự tán). Chủ trị các chứng hư lao, cốt tiết thống (đau nhức xương khớp), phong tý bất tùy (chân tay mệt mỏi, ngại vận động, không theo chủ ý), trường minh phúc thống (đau bụng sôi bụng), băng đới trưng hà (trưng là khối không di động, hà là khối trong bụng di động được, lúc tụ lúc tán; đều là huyết bệnh), mục xích (mắt đỏ), sán thống (phàm chỗ rỗng trong thân thể bị trở ngại, làm cho gân thịt co rút, rồi phát ra đau đớn đều gọi là sán 疝), sang giới, thũng độc. 

Đan sâm dưỡng thần định chí, thông lợi huyết mạch. Tâm tàng thần, chủ về thần minh, thuộc hỏa, chủ huyết mạch, có tâm bào lạc bảo vệ bên ngoài. Đan sâm dưỡng huyết, điều huyết, quy thủ thiếu âm, thủ quyết âm kinh giúp công năng của tâm, tâm bào được điều hòa. Vì vậy, Đan sâm là dược vị không thể thiếu trong các phương thuốc trị các chứng bệnh về tâm, về huyết.

Một số nghiên cứu về thành phần hóa học và tác dụng dược lý của Đan sâm 

Tác dụng của Đan sâm được các nhà nghiên cứu quan tâm. Đã có nhiều công trình nghiên cứu tìm ra thành phần hóa học trong vị thuốc Đan sâm, tác dụng dược lý đã được chứng minh trên thực nghiệm và lâm sàng.

Trong Đan sâm có các hoạt chất có tác dụng sinh học chính gồm các hợp chất diterpen, trong đó các hợp chất quan trọng là danshensu, tanshinon IIA, cryptotanshinon và acid salvianolic A, B.  

Nghiên cứu đánh giá tác dụng tan huyết khối của Đan sâm, người ta đã nghiên cứu những hiệu quả của dịch chiết Đan sâm lên hệ tim mạch (in vitro, in vivo) bao gồm ức chế ngưng tập tiểu cầu, tăng lưu lượng máu, cải thiện chức năng tâm trương (thất trái) ở bệnh nhân tăng huyết áp. Đan sâm làm giảm ngưng tập tiểu cầu cũng như làm giảm sự sản xuất fibrin nên có tác dụng giảm sự hình thành cục máu đông và làm tan huyết khối.

Trên chuột thực nghiệm Đan sâm có tác dụng tăng tỉ lệ sống, kéo dài thời gian sống trong điều kiện thiếu oxy, giúp cải thiện tuần hoàn ngoại vi, chống đông máu, hạ huyết áp, giảm triglicerid máu, giảm thoái hóa mỡ trên giải phẫu bệnh gan. Ngoài ra Đan sâm còn có tác dụng kháng khuẩn, an thần, ức chế sự phát triển của tế bào ung thư trên thực nghiệm.

Một nghiên cứu lâm sàng của nhóm nghiên cứu từ Nhật Bản và Trung Quốc chứng minh tác dụng làm giãn và lưu lượng máu động mạch vành của các hoạt chất danshensu, tanshinon IIA trong vị thuốc Đan sâm. Nghiên cứu đã so sánh tác dụng của Đan sâm với thuốc Isosorbide dinitrat trên 1536 bệnh nhân đau thắt ngực do bệnh lý mạch vành. Kết quả cho thấy nhóm bệnh nhân sử dụng Đan sâm giảm đau thắt ngực, chức năng tim được cải thiện tốt hơn ở 93,4% số bệnh nhân so với 73,8% ở nhóm bệnh nhân dùng Isosorbide dinitrat. 

Acid Salvianolic B (SAB) trong Đan sâm được chứng minh có tác dụng ức chế chức năng tiểu cầu, cụ thể là ức chế sự kết dính tiểu cầu với collagen bất động bằng cách can thiệp với thụ thể collagen α2β1. Trên động vật thực nghiệm SAB Đan sâm có tác dụng bảo vệ não khỏi tổn thương thiếu máu. Ngoài ra SAB còn có một số tác dụng khác trên tim mạch như kích thích các tế bào nội mô sản xuất NO và ức chế sự tạo thành angiotensin II giúp điều hòa huyết áp và chống nhồi máu cơ tim. Chất này cũng đã được nghiên cứu về tác dụng làm giảm glucose máu, tăng độ nhạy với insulin, giảm cholesterol toàn phần, giảm LDL-cho và tăng HDL-cho trên chuột bị gây đái tháo đường type 2 thực nghiệm. SAB là chất oxy hóa mạnh giúp loại bỏ các gốc tự do có hại, có tác dụng chống viêm và bảo vệ tế bào.

Tại Trung Quốc, Đan sâm còn được dùng với dạng dịch chiết truyền tĩnh mạch, phương pháp này được áp dụng trong nghiên cứu lâm sàng trên những bệnh nhân viêm gan cấp, viêm gan mạn, suy thận, bệnh mạch vành, bệnh lý mạch máu não, xơ cứng bì, ung thư lympho… đều cho những kết quả điều trị tốt.

Cách dùng và liều dùng

Trong Y học cổ truyền Đan sâm được dùng độc vị hoặc là thành phần trong những bài thuốc chữa các bệnh về tâm, huyết mạch, phụ khoa… với liều dùng từ 6 – 12g, sắc uống hoặc hoàn tán. Cần chú ý Đan sâm úy diêm thủy, kỵ giấm, phản Lê Lô.

Trong y học hiện đại, người ta có thể dùng Đan sâm dưới dạng cao chiết toàn phần hoặc dịch chiết phân đoạn, có thể dùng để điều trị đơn độc hoặc dùng làm bán thành phẩm kết hợp với những hoạt chất từ dược liệu khác để tạo ra những chế phẩm có tác dụng chữa bệnh hiệu quả cao có nguồn gốc tự nhiên. Tuy nhiên đối với những chế phẩm cụ thể cần phải được nghiên cứu về tính an toàn (độc tính cấp, độc tính bán trường diễn) và hiệu quả để có được chỉ định và liều dùng phù hợp nhất.

Theo wikithaoduo